Đưa cây cà phê Tây Nguyên trở về với ‘mẹ thiên nhiên’
- huydam0
- 1 thg 12, 2023
- 4 phút đọc
Đi sâu vào trong cánh rừng ẩn mình dưới tán cây cao mát rượi, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy những vườn cà phê xanh mơn mởn xen lẫn với các loại cây trồng và thảm thực vật phong phú. Để phát triển bền vững trên cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường, con đường đưa cây cà phê ở vùng đất Tây Nguyên trở về với “mẹ thiên nhiên”
Từ cuối thập niên 70 đến đầu thập niên 80, cây cà phê đã bắt đầu bén rễ trên mảnh đất Tây Nguyên màu mỡ. Tuy nhiên, kỹ thuật canh tác truyền thống tại đây khiến hệ sinh thái bị ô nhiễm.
Làm sao để kiến tạo một vùng cà phê năng suất, chất lượng cao ở Tây Nguyên nhưng vẫn đảm bảo bền vững môi trường là điều tâm huyết của những chủ mô hình “cà phê sạch”, “cà phê hữu cơ” hay “cà phê dưới tán rừng”, “cà phê cảnh quan”…

Hành động để “chữa lành”
Ở vùng cao nguyên huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) có xã Đinh Trang Hòa là một xã thuần nông, trong đó đồng bào dân tộc bản địa chiếm trên 50% dân số, sống bằng nghề canh tác cà phê là chủ lực.
Thế nhưng, cũng như nhiều vùng đất chuyên canh cây cà phê ở Tây Nguyên, hầu hết người dân ở Đinh Trang Hoà thường lạm dụng phân hóa học, sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật để cây cà phê phát triển tốt, cho năng suất cao. Điều này gây nên hệ lụy mất cân bằng hệ sinh thái cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cà phê.
Trước thực trạng như vậy, 5 năm trở lại đây, một nhóm gồm 7 thành viên là chị em người dân tộc K’Ho với tên gọi “Oh mi KoHo coffee” đã lập ra mô hình liên kết sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ và hiện tại đã phát triển lên mô hình tổ hợp tác.
Điều đầu tiên nhóm này làm là cải tạo đất bằng cách giảm số lượng phân bón vô cơ, tăng cường phân ủ Compost được ủ từ lá cây dã quỳ, lá chuối, rơm rạ, trấu cà phê, phân chuồng…để bón cho cây. Sau vài năm thực hiện với diện tích vùng nguyên liệu trên 5,5ha, đến nay sản phẩm cà phê hữu cơ, cà phê sạch của nhóm đã chính thức đưa ra thị trường và được đón nhận rộng rãi.
Thành viên của nhóm là chị Ka Jràn Lum chia sẻ tôn chỉ, định hướng sản xuất cà phê của tổ hợp tác là phải mang 3 giá trị cốt lõi. Đó là giá trị chân thành, nguyên bản và tự nhiên, để giữ được hương vị đậm đà của dòng sản phẩm cà phê trên cao nguyên Di Linh.

Việc bà con dân tộc bản địa ý thức về sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, bền vững như trên đang được nhân rộng ở nhiều nơi ở Tây Nguyên như một cách để “chữa lành” những tác hại về môi trường như lâu nay. Để từ đó làm thay đổi tư duy, phương thức canh tác, nhằm từng bước mở rộng quy mô sản xuất cà phê chất lượng cao, đưa cây cà phê trở về với tự nhiên, với “mẹ thiên nhiên” như vốn có.
Không chỉ với cà phê hữu cơ, mô hình cà phê dưới tán rừng hay còn gọi là cà phê cảnh quan cũng được xem là một trong những cách để giúp cây cà phê ở Tây Nguyên phát triển bền vững.
Đi sâu vào trong một cánh rừng ở tỉnh Đắk Nông, ẩn mình dưới tán cây cao mát rượi, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy những vườn cà phê xanh mơn mởn xen lẫn với các loại cây trồng và thảm thực vật phong phú. Đó là kết quả tốt đẹp của một dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ nhằm xây dựng mô hình cà phê cảnh quan phát triển bền vững tại Tây Nguyên.
Cà phê cảnh quan là một sáng kiến nhằm đáp ứng tốt với bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Dự án nêu trên lấy cây cà phê làm chủ đạo, thiết kế trồng xen các loại cây che nắng, cây thảm phủ, giúp vườn cà phê đẹp và gần gũi với thiên nhiên, quan trọng hơn là thu nhập của các gia đình được cải thiện từ các cây trồng trong vườn.
Theo giới nghiên cứu, việc phát triển mô hình cà phê hữu cơ cho đến mô hình cà phê cảnh quan là hướng đi tất yếu, bền vững cho vùng đất Tây Nguyên trên cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Việc áp dụng quản lý thảm cỏ thay thế thuốc diệt cỏ sẽ giúp nông dân tiết kiệm nước tưới, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Từ đó, vườn cà phê trở thành môi trường sống của nhiều loại côn trùng, đặc biệt là kiến vàng. Khi loại côn trùng này làm tổ trên cây trong quá trình đậu trái, quả cà phê sẽ có hương vị thơm ngon đặc biệt, khác với những loại cà phê truyền thống bình thường.